Khái quát về 4 tính chất của lập trình hướng đối tượng

Trong lập trình hướng đối tượng (OOP – Object-Oriented Programming), có 4 tính chất cốt lõi mà bất kỳ ai học lập trình cũng cần nắm vững: Tính đóng gói, kế thừa, đa hình, và trừu tượng.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu từng khái niệm một cách gần gũi, dễ nhớ, đặc biệt hữu ích cho những bạn mới bắt đầu với Java, C#, Javascript hoặc bất kỳ ngôn ngữ lập trình nào hỗ trợ OOP

Bản thân mình mất đến cả tháng trời làm việc thực tế thì mới có thể thấm nhuần được lập trình hướng đối tượng (Object Oriented Programming – OOP). Nhưng mình sẽ đơn giản hóa 4 tính chất cơ bản của OOP cho các bạn

Trong bài viết này, mình sẽ đề cập đến những thứ sau:

  1. Giới thiệu chung về lập trình hướng đối tượng
  2. 4 Tính chất cơ bản của OOP
  3. Vai trò của 4 tính chất trong thực tế
  4. Kết luận

Ok, cơ bản là thế, giờ thì “nổ máy” thôi!

1. Giới thiệu chung về lập trình hướng đối tượng (OOP)

Lập trình hướng đối tượng là gì? có bóc ra ăn được không?

Định nghĩa: Lập trình hướng đối tượng hay Object oriented programming (OOP) là một nguyên lý tổ chức lập trình (programming paradigm) theo mô hình đối tượng, với các khái niệm chính như Class, Object, Inheritance, Polymorphism, Abstraction, Encapsulation.

Đầu tiên, chúng ta đề cập đến thế nào là hướng đối tượng đã!

Hướng đối tượng là khi lập trình, bạn lấy “đối tượng” (object) làm trung tâm để mô tả và xử lý vấn đề, thay vì tập trung vào các lệnh tuần tự hoặc xử lý dữ liệu riêng lẻ. Có nghĩa là chúng ta đi biến mọi thứ thành các “đối tượng” trong chương trình, và đi giải quyết vấn đề của các “đối tượng” đó.

Lưu ý: Nếu các bạn chưa biết hoặc chưa nắm rõ về 2 khái niệm cơ bản là Class và Object thì các bạn hãy tạm dừng, mở một tab khác, đọc về nó trướcClass và Object Trong Lập Trình: Nền Tảng Của Thế Giới OOP

Mình muốn làm rõ một vài điều về OOP:

  • OOP là nguyên tắc lập trình (principle), nó không phải công nghệ, thư viện hay framework gì cả! Hoàn toàn là do cách các bạn viết code.
  • Vì OOP là nguyên tắc lập trình nói chung, nên nó mang tính tư duy, ý tưởng tổ chức chương trình không phụ thuộc vào ngôn ngữ lập trình các bạn sử dụng.

Ok, giờ thì đến phần chính nào!

2. 4 Tính chất của OOP:

Trước khi đi vào từng tính chất, mình muốn làm rõ hoàn toàn 3 câu hỏi “Ý nghĩa của nó là gì?”, “nó dùng để làm gì?”, “thực hiện nó như thế nào” của mỗi tính chất, nên với mỗi mục, mình sẽ có một bài viết chi tiết và gắn kèm link nhé.

2.1. Tính đóng gói – Encapsulation

Định nghĩa: Tính đóng gói là việc giấu đi những thông tin bên trong và chỉ cho phép truy cập thông qua những “cánh cửa được mở sẵn”, tức là các phương thức (method) cho phép.

Ví dụ nhé:
Bạn có một chiếc điện thoại – bên trong là cả đống linh kiện điện tử phức tạp. Nhưng bạn không cần biết chúng hoạt động thế nào, bạn chỉ cần ấn nút gọi và nó sẽ gọi. Đó chính là Encapsulation – giấu sự phức tạp, chỉ phơi bày những thứ cần thiết.

Để hiểu rõ hơn về tính đóng gói, hãy đọc bài này nhé: Tính đóng gói – Encapsulation trong lập trình hướng đối tượng

2.2. Tính kế thừa – Inheritance

Định nghĩa: Tính kế thừa cho phép bạn tái sử dụng code bằng cách để class con (child) kế thừa từ class cha (parent).

Ví dụ nhé:
Bạn có class Animal – mọi loài vật đều ăn và ngủ. Bạn tạo class Dog kế thừa từ Animal, vậy là Dog tự động có hành vi ăn và ngủ mà không cần viết lại.

Ý nghĩa của tính kế thừa là giúp giảm lặp lại code, và tổ chức chương trình theo hướng phân cấp, rất logic!

Để hiểu rõ hơn về tính kế thừa, hãy đọc bài này nhé: link

2.3. Tính trừu tượng – Abstraction

Định nghĩa: Tính trừu tượng là khả năng giấu đi phần cốt lõi phức tạp, chỉ để lộ ra những gì cần thiết cho người dùng.

Ví dụ:
Bạn đi xe máy chỉ cần biết vặn ga để chạyphanh để dừng – còn bên trong có bugi, bộ truyền động, nhớt, nồi, v.v… thì bạn khỏi cần quan tâm.

Ý nghĩa của tính trừu tượng là giúp bạn thiết kế chương trình rõ ràng, dễ bảo trì và dễ thay đổi nội dung bên trong mà không ảnh hưởng người dùng.

Để hiểu rõ hơn về tính trừu tượng, hãy đọc bài này nhé: link

2.4. Tính đa hình – Polymorphism

Định nghĩa: Đa hình cho phép nhiều object khác nhau phản ứng khác nhau với cùng một lời gọi.

Tóm lại: Đa hình là một việc có nhiều cách làm (hoặc nhiều cách triển khai).

Hãy lấy một ví dụ như sau:
Cùng là hành động lái xe, nhưng mà bạn lái xe mô tô một kiểu, và bạn lái xe ô tô một kiểu khác đúng không nào. – cái này là đa hình trong runtime hay là override (ghi đè).

Ví dụ về một kiểu đa hình khác:
Cùng là việc vẽ một hình tròn, bạn có thể vẽ được hình tròn mong muốn bằng đường kính hoặc bán kính, hoặc kể cả là chu vi, diện tích, hay cao cấp hơn nữa là dựa vào tọa độ trên hệ trục tọa độ. – cái này là đa hình trong compile time hay là overload (nạp chồng).

Sử dụng đa hình làm cho chương trình linh hoạt, và dễ mở rộng nói chung, và khi thêm các loại object mới nói riêng.

Cụ thể như thế nào, bạn có thể đọc chi tiết về tính đa hình tại đây: link

3. Vai trò của 4 tính chất trong thực tế

“Ủa, vậy ứng dụng thực tế 4 tính chất này để làm gì?”

Ok, mình trả lời ngay:

  • Encapsulation: Giúp bảo mật, tránh sửa sai dữ liệu từ bên ngoài.
  • Inheritance: Giúp tổ chức chương trình rõ ràng, dễ bảo trì.
  • Abstraction: Giúp người dùng API hoặc class chỉ cần “dùng”, không cần “biết trong có gì”.
  • Polymorphism: Giúp hệ thống mở rộng dễ dàng, như thêm một loại đối tượng mới mà không phải sửa code cũ.

Tóm lại: 4 tính chất OOP giúp bạn không bị lạc trôi khi viết chương trình lớn – giống như xây nhà có bản vẽ rõ ràng, không phải đập đi xây lại liên tục!

4. Kết luận

OOP – lập trình hướng đối tượng – không phải là mớ lý thuyết khô khan đâu. Khi bạn hiểu và dùng đúng 4 tính chất, bạn sẽ thấy:

  • Code gọn gàng hơn, có tổ chức nên sẽ dễ đọc hơn
  • Cực kỳ dễ mở rộng khi dự án lớn lên
  • Làm việc nhóm “đỡ cãi nhau hơn” vì ai cũng có khuôn mẫu rõ ràng

Nếu bạn thấy bây giờ vẫn chưa hiểu hết – không sao cả! Cứ code nhiều, vẽ class diagram chơi, hoặc viết 1 app nhỏ kiểu quản lý sinh viên, bạn sẽ thấm dần.

Cứ như mình, cũng phải vấp váp một thời gian, code từa lưa mới hiểu được cái hay của OOP 😅

Bài viết này chỉ mang tính khái quát, để cụ thể hơn nữa, bạn hãy vào đọc bài viết chi tiết của từng tính chất của lập trình hướng đối tượng nhé. Nếu bạn chưa đọc theo link ở bên trên, thì mình tổng hợp lại ở dưới này nhé:

  • Tính đóng gói – Encapsulation: link
  • Tính kế thừa – Inheritance: link
  • Tính trừu tượng – Abstraction: link
  • Tính đa hình – Polymorphism: link

Nhớ đọc thật kỹ nhé, các tính chất này hay lắm đấy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang